​QUAN HỆ  VIỆT NAM – LAOS:

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quan hệ hai nước Việt-Lào là liên minh chiến đấu đặc biệt, hai dân tộc có chung kẻ thù và cùng chung lý tưởng. Ngày 5/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

Khi nước CHDCND Lào ra đời ngày 2/12/1975, quan hệ Việt-Lào đã chuyển sang giai đoạn mới đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Từ đó đến nay, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào ngày càng được củng cố và phát triển.

Quan hệ chính trị:

Các cơ chế tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước, các cuộc thăm viếng cấp cao được duy trì thường xuyên. Năm 2006, sau khi hai nước tiến hành Đại hội Đảng và bầu Ban lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước hai bên đã tiến hành thăm viếng lẫn nhau.

Quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố thông qua việc ký các văn kiện quan trọng: Năm 1977 ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; năm  2001 ký Hiệp định hợp tác 5 năm 2001-2005 và Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2001-2010; tháng 7/2001, ra Tuyên bố chung nêu đường hướng chỉ đạo cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nhân chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh.

Về đối ngoại:

Hai bên phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động ASEAN, tiểu vùng Mê Công, sông Hằng-Mê Công và nhóm công tác phát triển 3 vùng biên giới và các hoạt động hợp tác đa phương khác. Hai Bộ Ngoại giao hai nước đã tiến hành 4 cuộc giao lưu luân phiên hàng năm : 9/2003; 5/2004; 4/2005; và 5/2006.

Về hợp tác giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia: Ba Thủ tướng đã có 4 cuộc họp bàn hợp tác giữa 3 nước (tại Viêng-chăn 10/1999, tại Thành phố Hồ Chí Minh 1/2002; tại Xiêm Riệp 7/2004) và tháng 12/2006 tại Đà Lạt, Việt Nam.

Quan hệ hợp tác kinh tế-văn hóa-khoa học kỹ thuật:

Hai bên đã lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-văn hóa-khoa học kỹ thuật Việt-Lào. Ủy ban họp mỗi năm một lần, đến nay đã họp 29 phiên. Từ 1991, Chủ tịch Ủy ban mỗi nước là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực.

Quan hệ thương mại:

Năm 2005, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước đạt 165 triệu USD; năm 2006 đạt 230 triệu USD. Hai bên đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích phát triển đầu tư, thương mại như thực hiện các chính sách ưu đãi, thông thoáng cho các nhà đầu tư của hai nước, giảm thuế suất, thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên. Tuy nhiên, kim ngạch buôn bán giữa hai nước hiện vẫn chưa đáp ứng tiềm năng và mong muốn của hai nước.

Về đầu tư:

Đã có sự khởi sắc đáng kể, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào với tổng số vốn gần 500 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp (trồng cây cao su), khảo sát và khai khoáng, điện lực, giao thông vận tải.

Về giao thông vận tải:

Việt Nam tạo thuận lợi cho Lào vận chuyển hàng x​uất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam (trong đó có cảng Vũng Áng), cho bạn vay vốn ưu đãi làm đường 18B, đã khánh thành 5/2006), giúp xây dựng một số cầu đường khác tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu trong khu vực.

Các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam tăng cường quan hệ, hợp tác kinh tế, đào tạo cán bộ, phối hợp phòng chống dịch bệnh, xây dựng đường sá, chợ đường biên và nâng cấp cửa khẩu (tính cho đên nay đã có năm cửa khẩu quốc tế : (1) Lao Bảo-Đen Xa Vẳn (đường 9), (2) Cầu Treo-Nậm Phao (đường 8), (3) cửa khẩu Cha-lo (đường 12), (4) cửa khẩu Nậm-Cắn (đường 7A), (5) cửa khẩu Phukưa (At-ta-pư) – Bờ Y. Tháng 8/2002, hai nước đã ký Thoả thuận Viêng Chăn (nhằm bổ sung và thực hiện Thoả thuận Cửa Lò ký năm 1999) về tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc qua lại của công dân hai nước và các hoạt động buôn bán đầu tư song phương.

(Tháng 7/2007)

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​