Theo thông tin từ Thứ trưởng Trung, 20 năm qua, hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng phát huy vai trò đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam. Với 289 KCN và 15 KKT ven biển tại 59 tỉnh, thành phố, các KCN, KKT đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Riêng 10 tháng đầu năm 2013, các KCN, KKT thu hút được 9,9 tỷ USD, chiếm khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2,1 triệu lao động. Hệ thống các KCN, KKT còn góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Một số KCN, KKT đã trở thành điểm đến của nhiều dự án quan trọng và có quy mô lớn hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhận định chung, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%, và chưa có sự đồng đều giữa các khu vực, lại thêm chất lượng quy hoạch chưa tốt, thiếu sự liên kết lãnh thổ, do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng địa phương chưa hiệu quả.

Theo kế hoạch cuả Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thời gian tới sẽ thực hiện một số định hướng mới trong việc thu hút dự án đầu tư vào các KCN, KKT như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với định hướng thu hút có chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng và có tính liên kết sản xuất cao; Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, củng cố niềm tin cho DN, nhà đầu tư; Đẩy mạnh giám sát việc chấp hành quy định về đầu tư, DN; Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các tiện nghi, tiện ích công cộng cho người lao động. Triển khai đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu DN.

M.C

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​