Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo "Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi". Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn 150 đại biểu đến từ các nước Trung Đông - châu Phi, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Algerie, Uganda, Ai Cập, Qatar… Cùng tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwawa, các vị đại sứ, đại biện, đại diện ngoại giao các nước thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Tăng 8 lần trong 10 năm
Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi đã tăng gấp 8 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 15,7 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, phân tích các con số trên ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, từ thời điểm năm 2011 đến nay, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia trong khu vực này giảm chứ không tăng, đã giảm từ 3,6% xuống chỉ còn khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014.
Theo đánh giá của ông Mạnh Hùng, số liệu trên cho thấy những biến động về chính trị, xã hội trong khu vực Trung Đông, châu Phi đã có những ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường này. Nhưng trong sự sụt giảm tương đối đó, vẫn có những dấu hiệu khả quan. Bằng chứng là, tính đến tháng 9/2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu ước đạt 6,87 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,32 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực này đang tăng nhanh (tăng 27,3% ), chỉ đứng thứ hai so với thị trường châu Mỹ (tăng 28,3%). Việt Nam và các đối tác Trung Đông, châu Phi còn được đánh giá là có những thế mạnh riêng, bổ sung cho nhau. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho triển vọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia Trung Đông, châu Phi trong các năm tiếp theo.
Một mặt hợp tác quan trọng khác đang được các bên rất quan tâm đó là quan hệ về đầu tư. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 8/2015, đã có 10 nước Trung Đông có dự án đầu tư trực tiếp đăng ký tại Việt Nam với tổng số 58 dự án và vốn đăng ký gần 950 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp từ khu vực đã tham gia vào các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác của Việt Nam như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Cảng container Hiệp Phước, Nhà máy thép tiền chế Zamil Steel….
Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng các dự án FDI tại Việt Nam, với số vốn chỉ chiếm 0,21% tổng số vốn FDI. Điều đó cho thấy, những kết quả này còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi.
Hơn nhau ở cách tiếp cận
Tại Hội thảo, bà Victoria Kwawa thẳng thắn đề cập tới vai trò của Trung Quốc tại các nước châu Phi. Bà Kwawa khẳng định, đúng là Trung Quốc hiện giữ vai trò rất lớn về thương mại và đầu tư với các nước khu vực này, tuy nhiên, không phải như vậy là không còn cơ hội nào. "Hiện nay, châu Phi còn để ngỏ rất nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, các ngành,… Tuy nhiên, điều quyết định thắng bại của bất kỳ đối tác nào chính là cách tiếp cận", bà Victoria Kwawa nói.
Trên thực tế, đúng như lời bà Giám đốc quốc gia WB, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư tại các quốc gia châu Phi xa xôi. Và họ đã đúng khi quyết định điều đó, thành công của họ thực sự sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại khu vực này. PVN đã và đang nỗ lực theo đuổi các cơ hội tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở các nước như Angola, Mozambique, Sudan, Algeria, Iran… Tới thời điểm hiện tại, hợp đồng dầu khí giữa PVN và các đối tác Algeria đã mang lại những kết quả khả quan, trữ lượng dầu có thể gia tăng đáng kể so với dự báo ban đầu. Đặc biệt, các dự án viễn thông của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tại Mozambique, Cameroon, Burundi và mới đây nhất là Tanzania đã để lại ấn tượng tốt về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hợp tác xuất khẩu lao động với các nước Trung Đông, hợp tác chuyên gia y tế, nông nghiệp, giáo dục… với các nước châu Phi cũng là những mảng sáng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi. từ năm 2008-2014, Việt Nam đã ký hợp đồng lao động cho gần 80.000 lao động sang làm việc tại các nước Trung Đông, châu Phi.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để khai thác mối quan hệ thương mại, đầu tư với các nước Trung Đông, châu Phi như các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, xây dựng… Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng được các lợi thế đó, nhiều loại hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại châu Phi, Trung Đông. Tuy nhiên, không nhiều hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này. Nhiều mặt hàng xuất khẩu thất thường và rất nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cả về giá cả và chất lượng.
Thông các "nút thắt cổ chai"
Theo các chuyên gia về thị trường Trung Đông - châu Phi, khu vực này thực sự đang cần rất nhiều thứ. Thị trường châu Phi có nhu cầu lớn về các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, còn người tiêu dùng Trung Đông thậm chí đang cần bất cứ thứ gì mà Việt Nam sản xuất được. Nhưng ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này còn rất hạn chế.
Về đầu tư, theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) Trần Quang Huy, nhiều nước Trung Đông có các quỹ đầu tư tài chính rất lớn nhưng chưa thực sự quan tâm tới tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số trên 90 triệu dân, có vị trí cửa ngõ đi vào khu vực Đông Nam Á và châu Á. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tích cực khai thác tiềm năng hợp tác với các đối tác Trung Đông.
Tại sao các bên đều chưa tận dụng được tiềm năng của nhau? Theo ông Quang Huy, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai phía, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác còn hạn chế, công tác xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh… đó là các "nút thắt cổ chai" đang làm hạn chế dòng chảy thương mại, đầu tư giữa các bên.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các nước khu vực Trung Đông- châu Phi nói riêng trong việc đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam mong muốn các nước Trung Đông - châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, đầu tư tại khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với dân số gần 1,5 tỷ người.
"Chúng ta đã có tiềm năng hợp tác to lớn. Điều chúng ta cần bây giờ là sự nỗ lực quyết tâm hơn nữa từ cả Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp hai bên để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông, châu Phi lên tầm cao mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, vì lợi ích hai bên", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Minh Anh