​​​
​​Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với doanh nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN – Hàn Quốc 2014

"Việt Nam đã, đang và sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để không thua kém bất cứ nước nào trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy khi là diễn giả chính của phiên thảo luận "Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo"' tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hàn Quốc tại Busan (Hàn Quốc), chiều 11/12. Hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc và ASEAN đã tham dự Hội nghị.

 Nhiều cơ hội hợp tác

Thủ tướng khẳng định Hàn Quốc là một trong các đối tác đầu tư lớn của các nước ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng. Đến tháng 11, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.000 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 36,7 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư của Hàn Quốc vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc để tăng cường, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng việc Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần hay trở thành các đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Hàn Quốc có cơ hội tận dụng thế mạnh để tham gia các dự án đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng như điện, năng lượng tái tạo, giao thông đô thị, cảng biển, sân bay... 

Thủ tướng khẳng định chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam bởi thành công của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là thành công của Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng hoan nghênh việc mở rộng các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có doanh nghiệp Busan, đề nghị thành phố Busan đẩy mạnh quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước, phát triển hợp tác với Việt Nam về giáo dục – đào tạo, y tế, nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam…

 Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

Sau 26 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, xu hướng và mục đích đầu tư của Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với xu thế đầu tư  ra nước ngoài nói chung của Hàn Quốc. Đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô với tổng vốn đầu tư và số dự án với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đống góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013. Các dự án đầu tư Hàn Quốc nhìn chung hoạt động có hiệu quả, phù hợp với trình độ phát triền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam trong từng thời kỳ. Đồng thời, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong thời gian qua. Cùng với việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP, ký Hiệp định FTA Việt - Hàn ... trong thời gian tới, làn sóng FDI từ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lường lẫn chất lượng.

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc (với 3.112 dự án; 18.1 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký và 10,7 tỷ USD vốn giải ngân lũy kế theo thống kê của Ngân hàng Korea Eximbank). Chính phủ Hàn Quốc nói chung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, trong đó coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược với ưu thế về (1) nguồn lao động cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp (2) thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở - dễ tiếp cận (3) ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa 02 nước liên tục phát triển (4) vị trí địa lý thuận lợi (5) chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh (6) Chiến lược đầu tư Trung Quốc +1 ... so với mặt bằng chung các quốc gia thu hút FDI Hàn Quốc có cùng trình độ phát triển như Indonesia, Sri Lanka, Phillipines, Thái Lan, Cambodia, Myanmar ... Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới Việt Nam thể hiện qua số doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư có xu hướng tăng lên trong những năm qua.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hoạt động tương đối tốt. Hiện nay, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ. Trong đó, các dự án này chủ yếu tập trung vào các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép ... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các TNCs Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử ...

Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng, dịch vụ ...  đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, ...

Phân theo ngành,Hàn Quốc đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2.471 dự án, tổng vốn đầu tư 23,649 tỷ USD, chiếm 60,81% tổng vốn đầu tư đăng ký và 63,93% số dự án). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (80 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,98 tỷ USD, chiếm 19,69 %  tổng vốn đầu tư đăng ký và chỉ 1,9% số dự án). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng (555 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,395 tỷ USD chiếm 13,66% tổng vốn đăng ký và 6,52 % số dự án).

Từ năm 2009, FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80%. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.

Phân theo địa phương, trừ 02 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 49 địa phương của cả nước theo thứ tự: Hà Nội (848 dự án có tổng vốn đăng ký 5,284 tỷ USD);  Thái Nguyên (40 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 4,643 tỷ USD); Đồng Nai (307 dự án có tổng vốn đăng ký 4,437 tỷ USD);  TP Hồ Chí Minh (979 dự án có tổng vốn đăng ký 3,954 tỷ USD); Bà Rịa -Vũng Tàu (59 dự án có tổng vốn đăng ký 3,64 tỷ USD); Hải Phòng (61 dự án có tổng vốn đăng ký 2,75 tỷ USD).

Nhìn chung các địa phương có nhiều dự án FDI Hàn Quốc đều có đặc điểm chung nằm tại 02 đầu tàu kinh tế của cả nước quanh 02 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lợi thế về hạ tầng giao thông, năng lượng, nguồn nhân lực, logistic, điều kiện sinh sống cho người nước ngoài thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn và tiềm năng ...

Phân theo hình thức đầu tư, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài (3.584 dự án / 31,16 tỷ USD) và liên doanh (412 dự án / 4,54 tỷ USD). Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, sự am hiểu thị trường bản địa, nới lỏng điều kiện đầu tư theo cam kết khi gia nhập các Tổ chức quốc tế của Việt Nam ... doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng ưu tiên đầu tư theo hình thức 100% FDI (với tỷ lệ khoảng 95% hiện nay so với dưới 80% giai đoạn trước năm 2005)

Ngược lại, Việt Nam hiện có 24 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 10,48 triệu USD, đứng thứ 31/63 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 436.666 USD).

  Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Trong những năm qua, nhất là từ khi hai nước ký Hiệp định Thương mại, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 2,1 tỷ năm 2000 và năm 2013 đạt 27,3 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại Asean - Hàn Quốc (200 tỷ USD).

Xét theo quốc gia đơn lẻ, đến năm 2013, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 3 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc trong 10 năm qua (2001-2010) rất cao, đạt trên 23%.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác…; trong đó chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm trên 20% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam).

Cơ cấu mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là: hàng dệt may; hàng thuỷ sản; dầu thô; phương tiện vận tải; gỗ và các sản phẩm gỗ; xơ, sợi dệt các loại…, trong đó chủ yếu là hàng dệt may (chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc).

Mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước mang tính bổ trợ, ít có các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp, tuy nhiên, trong những năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại cao nhất (năm 2013 là 14,067 tỷ USD) do Việt Nam phải nhập khẩu máy móc thiết bị, tư liệu sản xuất. Thời gian tới, vấn đề này sẽ khó giải quyết một cách căn bản do nền công nghiệp sản xuất Việt Nam còn tương đối yếu kém và nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục có xu hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Cúc Nhi

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​