Diễn đàn kinh tế Việt Nam Nhật Bản 2015, tại Hà Nội.
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam Nhật Bản 2015, với chủ đề "Hướng tới tăng cường liên kết kinh tế Việt Nam – Nhật Bản". Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là đại diện cho các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo địa phương, các chuyên gia kinh tế và giới doanh nhân hai nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tại diễn đàn hai bên đã cùng bàn về việc đẩy mạnh cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, sau khi các cơ hội lớn được mở ra từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ đang sẵn sàng cho các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với Nhật Bản. Gần 80 doanh nghiệp Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực tiềm năng hợp tác như: nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu nông sản sạch, hợp tác tài chính.
Thúc đẩy hợp tác 6 lĩnh vực ưu tiên
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các DN Nhật Bản trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thủ tướng nhắc lại việc Chính phủ 2 nước đã ban hành chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô.
"Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp mũi nhọn; cũng như đầu tư vào các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam" – Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn ASEAN 6 và ASEAN 4. Các giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ năm 2012 đến nay, từ 5,1% lên đến 6,5%; sản xuất công nghiệp được phục hồi, xuất khẩu được duy trì và nền kinh tế ngày càng tỏ ra thích nghi tốt hơn với các cú sốc bên ngoài như giá dầu giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc đi xuống, phá giá đồng Nhân dân tệ…
Bên cạnh việc, Việt Nam đã hoàn thành ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – EU và sắp tới làTPP, AEC..., cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư thông qua việc tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, để tạo sự đồng bộ và phát triển bền vững, chuẩn bị tốt cho hội nhập, Việt Nam còn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên mọi lĩnh vực. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á được thiết lập vào năm 2014 đã và đang là đòn bẩy quan trọng để quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển ở tầm cao mới. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Nhật Bản luôn nằm trong số những quốc gia hàng đầu về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Những năm qua, Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với hơn 37,7 tỷ USD vốn FDI và 2.661 dự án còn hiệu lực, trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng… Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước tăng theo từng năm. Năm 2014 đạt trên 27,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19 tỷ USD.
Cơ hội đang đến với cả hai bên
"Ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được Quốc hội các nước thông qua vào đầu năm 2016. Hiệp định TPP được ký kết sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới". Do vậy, việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp cả Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…Đâ sẽ là những cơ hội to lớn, tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Theo JETRO, vấn đề nội địa hóa đang là rào cản mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang đối mặt khi đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, chỉ đạt khoảng 33%, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 55%, Indonesia 43%.
Do đó, để công nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành nước sản xuất, cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì trước hết phải phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. "JETRO sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp mua bán linh kiện-phụ tùng của hai nước," đại diện phía Nhật Bản cho hay.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực mà hai nước đang và sẽ tiếp tục hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. JETRO cam kết sẽ giới thiệu những sản phẩm, công nghệ mới nhất của Nhật trong lĩnh vực cơ giới hóa, nông nghiệp để doanh nghiệp hai bên hợp tác, phát triển hơn nữa.
Theo kết quả khảo sát của JETRO, Việt Nam là một trong những nước thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm nay, trong số 521 doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào các nước mới nổi thì có đến 130 công ty mong muốn đầu tư vào Việt Nam, vượt qua số 78 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái Lan.
Trung Hiếu